Nội dung chính

78% người tiêu dùng Việt muốn sử dụng xe điện

Trong số 78% người dùng muốn chuyển sang xe điện có đến 38% muốn mua ô tô điện. Đây là kết quả khảo sát người tiêu dùng (NTD) Việt Nam về phương tiện giao thông điện mới được công bố gần đây.

38% NTD có nhu cầu mua ô tô điện

Khảo sát do Chương trình Phát triển của Liên hợp quốc (UNDP) đặt hàng Hội Doanh nghiệp Hàng Việt Nam Chất lượng cao (HVNCLC) thực hiện.

Ông Hoàng Đình Trọng, chuyên gia Hội Doanh nghiệp HVNCLC cho biết: Khảo sát được tiến hành trên 5 thành phố trực thuộc trung ương là Hà Nội, Hải Phòng, Đà Nẵng, TP.HCM, Cần Thơ và 3 địa phương tiềm năng như Quảng Ninh, Thừa Thiên-Huế, Phú Yên. Cuộc khảo sát trên gần 1.300 đối tượng, gồm 785 người (NTD) đã sử dụng phương tiện giao thông điện (PTGTĐ) và 498 NTD tiềm năng là những người chưa sử dụng PTGTĐ nhưng có nhu cầu sử dụng PTGTĐ.

Kết quả khảo sát cho thấy, mức độ sử dụng các loại PTGTĐ hiện nay nhiều nhất là xe máy điện 33%, xe đạp điện 27% và ô tô điện 2%. Các PTGTĐ mới được sự dụng phổ biến trong 3 năm trở lại đây, chiếm tỷ lệ 79%. Tuy mức độ sử dụng còn khiêm tốn, nhưng tín hiệu đáng mừng là mức độ gia tăng sở hữu các loại PTGTĐ tại Việt Nam những năm trở lại đây đang ngày càng phổ biến.

Ông Đình Trọng nhấn mạnh: “Có có tới 78% NTD chưa sử dụng PTGTĐ cho biết mong muốn sử dụng PTGTĐ trong tương lai gần. Trong số này có đến 38% NTD tiềm năng có nhu cầu mua xe hơi điện, trong khi nhu cầu mua xe đạp điện gia tăng không nhiều chỉ 7%”.

Người Việt chấp nhận giá nào cho các loại xe điện?

Theo ông Trọng, NTD đang chấp nhận sử dụng ngày càng nhiều các loại PTGTĐ cả về số lượng phương tiện và tần suất sử dụng vì mang lại như lợi ích tích cực như bảo vệ môi trường, tiết kiệm chi phí, nhiên liệu hay an toàn hơn so với xe sử dụng xe động cơ đốt trong.

Mức giá phù hợp với túi tiền của số đông NTD xe đạp điện từ 10 – 20 triệu đồng, xe máy điện 10 – 40 triệu đồng, xe hơi điện là từ 550 – 850 triệu đồng. Nếu so với các phương tiện giao thông truyền thống, NTD Việt Nam chấp nhận trả thêm bình quân 3,4 triệu đồng để được sử dụng xe đạp điện, 5,1 triệu đồng để được sử dụng xe máy điện và 76,5 triệu đồng để được sử dụng xe hơi điện có tính năng tương ứng với các loại PTGT sử dụng động cơ đốt trong.

Dù mức độ sẵn sàng của NTD cho các loại TPGTĐ đang rất cao nhưng vẫn còn nhiều vấn đề gây trở ngại cho loại phương tiện này như: pin và động cơ dễ hỏng hóc khi ngập nước, hạn chế quãng đường di chuyển sau mỗi lần sạc, tốc độ di chuyển hạn chế, thời gian sạc pin lâu, hay tuổi thọ pin kém. Chi phí bảo trì, sữa chữa tốn kém, khó mua linh kiện thay thế…

Ngoài những hạn chế nội tại của các loại PTGTĐ, còn có những rào cản tác động từ bên ngoài đối với sự phát triển PTGTĐ như thói quen sử dụng xe động cơ đốt trong của người Việt, hạ tầng kỹ thuật (trạm sạc, trạm đổi pin, bảo dưỡng,…) còn hạn chế nên chưa tạo được sự thuận lợi và động lực để NTD sử dụng PTGTĐ.

Các chính sách của nhà nước về chuyển đổi năng lượng xanh, giảm phát thải khí như Quyết định số 876/QĐ-TTg mới được chính phủ ban hành sẽ tạo điều kiện thuận lợi để thúc đẩy phát triển PTGTĐ cách toàn diện từ khâu sản xuất, lắp ráp, nhập khẩu, cung ứng, đến đầu tư xây dựng hạ tầng giao thông, hạ tầng kỹ thuật cho PTGTĐ… với lộ trình cụ thể và được thực hiện đồng bộ trên toàn quốc.

Các chính sách của nhà nước còn mang tầm vĩ mô, chưa có nhiều những chính sách vi mô như trợ giá trực tiếp, hỗ trợ vay vốn ưu đãi, miễn giảm thuế, phí mua sắm phương tiện và vận hành… có tác dụng tác động trực tiếp để kích cầu NTD gia tăng lựa chọn sử dụng PTGTĐ thay thế động cơ đốt trong.

Ông Đào Xuân Lai – Trợ lý Đại diện thường trú và Trưởng Ban Biến đổi khí hậu và Môi trường của UNDP tại Việt Nam nói: Khảo sát đầu tiên ở Việt Nam về góc nhìn của NTD với PTGTĐ cho thấy tiềm năng phát triển lĩnh vực này rất lớn khi có đến 78% người Việt có mong muốn chuyển đổi qua các phương tiện giao thông sạch hơn. Đối với ô tô điện, tính đến tháng 8.2022 đã có trên 3.000 xe tăng 20 lần so với năm 2019.

Ông Trần Ánh Dương – Phó Vụ trưởng Vụ Khoa học, Công nghệ và Môi trường (Bộ Giao thông Vận tải) nói: Theo lộ trình các phương tiện giao thông công cộng sẽ được chuyển dần sang xe điện, đến năm 2025 là toàn bộ xe buýt và 2030 là toàn bộ xe taxi.